Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Sai lầm lớn nhất của Tổng thống Trump trong 100 ngày đầu nắm quyền

Giáo sư Stephen M. Walt ngành Quan hệ Quốc tế của Đại học Harvard nhận định trên tạp chí Foreign Policy rằng, sai lầm lớn nhất trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Donald Trump chính là cách tiếp cận thiếu khôn ngoan đối với châu Á.

Châu Á là nơi Trump cần hành động

Theo GS Walt, châu Âu cũng quan trọng đối với Mỹ. Nhưng hiện tại, châu lục này chủ yếu gặp phải những vấn đề nội bộ và Mỹ không thể can thiệp nhiều để giải quyết chúng.

Trung Đông, thực tế đang rất hỗn loạn. Tuy nhiên, theo GS Walt, Mỹ không cần giải quyết gì ở Trung Đông, đúng ra là không biết phải giải quyết như thế nào và Mỹ cũng không nên tốn thời gian, tiền bạc và mạng sống của các binh sỹ để giải quyết các vấn đề của khu vực này.

Có thể Trump đã bị vướng vào "lò lửa" Trung Đông ở một mức độ nào đó, đặc biệt là khi ông cố gắng cứng rắn với Iran, nhưng các sai lầm của Trump ở đây chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng gì (mong là như vậy).

Ngược lại, châu Á chính là nơi Trump cần hành động. Tầm quan trọng về kinh tế của châu lục này ngày càng gia tăng một cách vững chắc, và xu hướng đó gần như chắc chắn sẽ tiếp tục.

Quan trọng không kém, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh dài hạn và ngang hàng duy nhất có thể có đối với Mỹ.

Ông Walt cho rằng, nếu sự ảnh hưởng của Trung Quốc tiếp tục tăng và đến một ngày "hất cẳng" Mỹ ra khỏi châu Á, thì Trung Quốc lúc đó có khả năng tự do thể hiện quyền lực trên khắp thế giới – như cách mà Mỹ hiện đang làm.

Với dân số lớn hơn dân số Mỹ rất nhiều, cộng thêm nền kinh tế khổng lồ ngày càng mở rộng, một Trung Quốc mạnh và không bị kiềm chế cuối cùng có thể sẽ lôi kéo được các đồng minh phương Tây, và vì thế kết thúc sự "thặng dư an ninh" mà Mỹ đã có được trong hơn một thế kỷ qua.

Ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á là lý do chính cho sự hiện diện tích cực của Mỹ ở khu vực này.

Sai lầm lớn nhất của Tổng thống Trump trong 100 ngày đầu nắm quyền - Ảnh 1.

Trump cần sự ủng hộ của các đồng minh ở châu Á để ngăn sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Ảnh: CNN

Mối quan hệ liên minh phức tạp ở châu Á

Để ngăn được Trung Quốc, Mỹ cần sự ủng hộ của những đồng minh tại châu Á. Chính quyền của cựu tổng thống Barack Obama đã hiện thực hóa điều này bằng sáng kiến gọi là "xoay trục", hay "tái cân bằng". Sáng kiến này được các đối tác châu Á rất hoan nghênh.

"Tái cân bằng" là một nỗ lực đa chiều, bao gồm từ việc triển khai quân sự tới các cam kết bằng lời với các đối tác châu Á, hay sự quyết tâm của Mỹ tại các khu vực tranh chấp như Biển Đông.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là một nỗ lực "tái cân bằng". Walt nhận định rằng TPP không những mang lại lợi ích cho Mỹ mà còn củng cố mối quan hệ chính trị với những đối tác quan trọng ở châu Á.

Tuy nhiên, GS Walt cũng chỉ ra rằng, việc quản lý những mối quan hệ liên minh phức tạp này không hề dễ dàng, dù nhiều nước châu Á và Đông Nam Á cũng lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc và rất mong muốn có sự ủng hộ của Mỹ.

Các mối quan hệ liên minh này khó quản lý bởi khoảng cách giữa các quốc gia châu Á cũng khá lớn và họ ít trông chờ vào sự giúp đỡ của nhau.

Thêm vào đó, bản thân các đồng minh của Mỹ tại châu Á cũng có mối quan hệ kinh tế đáng kể với Trung Quốc. Các quan hệ kinh tế này mang lại lợi ích cho họ, và tất nhiên tạo thêm cho Bắc Kinh các "đòn bẩy".

Một ví dụ là khi Hàn Quốc đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại đất nước họ, Trung Quốc đã phản ứng bằng cách ra lệnh cấm đoán, hạn chế một số công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Trung Quốc và đe dọa sẽ có các biện pháp kinh tế khác.

Những đồng minh Mỹ, nổi bật nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc, lại không có mối quan hệ hòa hợp với nhau do các khúc mắc lịch sử. Những điều này làm Mỹ phải đối mặt nhiều điểm phức tạp trong xử lý các liên minh của mình.

Vì lý do này, Mỹ cần những người thông minh, tinh tường, có kiến thức và trên hết là có kỷ luật để củng cố và nuôi dưỡng những mối quan hệ đồng minh. Nhưng Trump đã làm gì?

Trump đã làm gì ở châu Á trong 100 ngày đầu tiên?

Trump khởi đầu thời kỳ nắm quyền bằng việc "xé tan" TPP – một việc làm, theo GS Walt, sẽ gây ra những hậu quả lâu dài.

Trump cũng từng thách thức chính sách "một Trung Quốc" khi gọi điện cho lãnh đạo Đài Loan khi còn là Tổng thống đắc cử, nhưng sau khi nhậm chức đã phải tái cam kết tôn trọng chính sách này.

Trump điện đàm không suôn sẻ với Thủ tướng Malcom Turnbull của Australia, một nước đồng minh lâu năm của Mỹ.

Trump nói bán đảo Triều Tiên "từng là một phần của Trung Quốc" và làm Seaoul nổi giận.

Sai lầm lớn nhất của Tổng thống Trump trong 100 ngày đầu nắm quyền - Ảnh 2.

Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP ngay sau khi nhậm chức. Ảnh: NYT

Chính quyền Trump nói đội tàu sân bay USS Carl Vinson thẳng tiến tới vùng biển bán đảo Triều Tiên giữ những căng thẳng trên bán đảo, nhưng sự thật hóa ra không hoàn toàn như vậy, làm Hàn Quốc cảm thấy "bị lừa dối", …

Walt cho rằng có hai vấn đề lớn ở đây. Thứ nhất, việc xử lý các vấn đề ở châu Á của Trump ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức đã là cách xử lý thiếu hiểu biết và năng lực, gây ra nghi ngại đối với đồng minh.

Các đồng minh châu Á có thể không nghi ngờ mức độ cam kết của Mỹ, nhưng họ rõ ràng có lý do để ngờ vực khả năng đánh giá của những người đứng đầu chính quyền Mỹ.

Thứ hai, việc xử lý các mối quan hệ đồng minh ở châu Á là một thách thức vì những nước này vừa sợ bị bỏ rơi vừa sợ bị vướng vào các rắc rối.

Không ai ở châu Á muốn một cuộc đối đầu nghiêm trọng chứ đừng nói tới chiến tranh. Các cường quốc ở châu Á thường có xu hướng phản ứng một cách tiêu cực với những người mà họ tin rằng đang làm khu vực "tăng nhiệt".

Cách tiếp cận vấn đề Biển Đông của Trung Quốc đã làm các quốc gia châu Á xích lại gần Mỹ, nhưng việc Mỹ phản ứng một cách cực đoan với Triều Tiên sẽ làm các đối tác e dè và bắt đầu xa cách.

Trump cần gì để giải quyết các vấn đề ở châu Á?

Mỹ phải cần có kiến thức, kỷ luật và sự nhạy bén để dung hòa ranh giới mong manh giữa hành động quá nhiều và hành động quá ít ở châu Á. Nhưng theo Walt, đội ngũ của Trump đã không thể hiện được bất cứ phẩm chất nào nêu trên trong 100 ngày đầu tiên ông Donald Trump làm Tổng thống.

Dù sao thì vẫn còn một chút tin tức tốt lành. Phó Tổng thống Mike Pence mới đây thông báo rằng Trump sẽ tham dự không chỉ một mà là ba hội nghị thượng đỉnh ở châu Á vào tháng 11 tới đây.

Đó là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), đều được tổ chức ở Philippines; và Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Việt Nam.

Học giả người Mỹ cho rằng những chuyến công du châu Á này sẽ mang tới cho Trump cơ hội thể hiện sự đánh giá cao về tầm quan trọng của châu Á, và ít nhất là Tổng thống sẽ có thêm hiểu biết về các vấn đề phức tạp liên quan.

Tất nhiên, vẫn còn điều nguy hiểm, đó là có thể Trump lúc đó vẫn chưa có một đội ngũ vững chắc để có thể soạn các bài phát biểu, đưa ra các luận điểm phát biểu, điều phối các cuộc gặp gỡ, tránh các sai lầm "kiểu Trump" hay giữ cho ông tránh xa Twitter.

GS Walt cho rằng tháng 11 sẽ là lúc công chúng có một cái nhìn khá đầy đủ về khả năng học hỏi, thích nghi của Tổng thống Trump.

"Nếu tôi là cố vấn an ninh quốc gia H.R.Mc Master, tôi sẽ bắt đầu làm ‘gia sư’ cho Tổng thống ngay từ bây giờ!" - Walt viết.

SCMP: Tàu sân bay TQ chỉ có ý nghĩa biểu trưng, đừng mong đối đầu với USS Carl Vinson

Triều Tiên tung video tấn công giả lập Nhà Trắng

Triều Tiên tấn công giả định Nhà Trắng Trong video mô phỏng, Triều Tiên phóng tên lửa hạm đối hạm và các tên lửa Scud vào Nhà Trắng, tàu sân bay, máy bay ném bom chiến lược và nhiều xe bọc thép của Mỹ.

Trang web tuyên truyền Meari của Triều Tiên ngày 27/4 đăng tải video có những cảnh quay mô phỏng các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Nhà Trắng và tàu sân bay Mỹ, cảnh báo rằng Washington sẽ phải đối mặt với kết cục thảm khốc nếu tiến hành chiến tranh chống lại Bình Nhưỡng.

Đoạn video mở đầu bằng những hình ảnh về cuộc duyệt binh ngày 15/4 nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành, với các tên lửa đạn đạo thế hệ mới.

Video tiếp nối bằng cảnh tàu sân bay, máy bay ném bom chiến lược và nhiều xe bọc thép của Mỹ đang ở trong tầm ngắm giả định, tiếp đó là cảnh Triều Tiên phóng tên lửa hạm đối hạm và các tên lửa Scud.

Các tàu sân bay Mỹ đã bốc cháy sau cuộc tấn công, cùng lúc đó, trên video xuất hiện dòng chú thích : "Khoảnh khắc khi (kẻ thù) phát động tấn công và khiêu khích".

Triều Tiên tung video tấn công giả lập Nhà Trắng - Ảnh 2.

Hình ảnh các mục tiêu chiến lược của Mỹ bao gồm tàu sân bay và Nhà Trắng nằm trong tầm ngắm của Triều Tiên trong video tấn công giả lập. Ảnh: Yonhap.


Tuần trước, Bình Nhưỡng cũng tung ra một video mô phỏng tương tự có cảnh một cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Mỹ trong một hoạt động kỷ niệm sinh nhật nhà lập quốc Kim Nhật Thành.

Video cho thấy dường như nước này đã bắn một tên lửa đạn đạo tầm trung mới vượt Thái Bình Dương và nhắm trúng một thành phố không xác định ở Mỹ.

Theo đài truyền hình nhà nước Triều Tiên, video này được chiếu trên một màn hình lớn trước công chúng. Kết thúc cuộc tấn công là hình ảnh cờ Mỹ bốc cháy, chồng lên hình một nghĩa trang.

Động thái của truyền thông Bình Nhưỡng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Tàu sân bay USS Vinson của Mỹ đang trên đường tới bán đảo, trong khi tàu ngầm hạt nhân USS Michigan đã cập cảng ở Hàn Quốc vào hôm 25/4. Hệ thống phòng thủ tên lửa THADD được thiết kế để hạn chế mối de dọa từ tên lửa Triều Tiên cũng sẽ được vận hành "trong vài ngày tới".

Triều Tiên công bố clip mô phỏng tấn công Mỹ trong 'Ngày Mặt trời' Truyền thông Triều Tiên đưa tin trong sự kiện văn nghệ kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, nước này đã phát video mô phỏng tấn công bằng tên lửa nhằm vào Mỹ.

Trump đảo ngược quyết định chỉ vài giờ sau khi cấp dưới thông báo ông chuẩn bị ký lệnh rút khỏi NAFTA

Lãnh đạo Đài Loan có thể điện đàm với Tổng thống Trump lần 2

"Chúng tôi đã có cơ hội liên lạc trực tiếp hơn với chính phủ Mỹ. Chúng tôi không loại trừ khả năng tiếp tục gọi tới Tổng thống Trump, nhưng điều đó còn tùy thuộc vào tình hình và sự cân nhắc của phía Mỹ với các vấn đề khu vực", bà Thái Anh Văn nói với Reuters.

Cuộc điện đàm đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Đài Loan với ông Trump diễn ra hồi đầu tháng 12/2016. Khi đó, bà Thái chúc mừng ông Trump chiến thắng sau cuộc bầu cử.

Đó là lần liên lạc trực tiếp đầu tiên giữa một lãnh đạo Đài Loan với tổng thống Mỹ đắc cử sau gần 4 thập kỷ Mỹ công nhận chính sách "Một Trung Quốc". Diễn biến này khiến Bắc Kinh vô cùng tức tối.

Quan điểm của Tổng thống Trump về Trung Quốc dịu dần sau khi ông chính thức nhậm chức. Ông đồng ý tiếp tục duy trì chính sách "Một Trung Quốc hồi tháng 2, rồi tiếp đón Chủ tịch Tập Cận Bình vào đầu tháng 4.

Dẫu vậy, nữ lãnh đạo Đài Loan khẳng định quan hệ với Mỹ đang cải thiện. Bà cho biết Đài Loan sẽ mua thêm nhiều vũ khí của Mỹ, như các máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại nhất.

"Chúng tôi không loại trừ bất kỳ vũ khí nào cần thiết cho chiến lược tự vệ và máy bay F-35 là một trong số này", bà Thái Anh Văn cho biết. Đến nay, Đài Loan đã gửi danh sách vũ khí muốn mua đến cho Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân trong cuộc họp báo ngày 27/4 nói Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ bất kỳ nước nào muốn bán vũ khí cho Đài Loan.

NAFTA-TPP: Trump "bên trọng-bên khinh" hay chuyện nguyên tắc là không nguyên tắc

Anh bắt kẻ tình nghi âm mưu tấn công khủng bố gần tòa nhà Quốc hội

vccorp.vn

Copyright © 2008 - 2017 – Công ty Cổ phần VCCorp

Tầng 17,19,20,21 Toà nhà Center Building - Hapulico Complex,
Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943 113 999
Email: btv@soha.vn
Giấy phép số 2411/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 31 tháng 07 năm 2015.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thế Tân

Trump nói có thể "xung đột lớn" với Triều Tiên, khen Tập Cận Bình và TQ không tiếc lời

"Có khả năng chúng ta sẽ kết thúc bằng một xung đột lớn, rất lớn với Triều Tiên. Hoàn toàn có thể như vậy," Tổng thống Mỹ nói với Reuters tại phòng Bầu dục trong cuộc phỏng vấn trước mốc 100 ngày cầm quyền của ông vào thứ Bảy, 29/4 tới.

Tuy nhiên, Trump nói ông muốn giải quyết một cách hòa bình cuộc khủng hoảng đã làm đau đầu nhiều tổng thống Mỹ, một lộ trình mà ông và chính quyền Mỹ đang nhấn mạnh bằng cách chuẩn bị hàng loạt biện pháp cấm vận kinh tế mới và không tính đến phương án quân sự.

"Chúng tôi mong muốn giải quyết vấn đề theo cách ngoại giao, nhưng điều đó rất khó khăn," ông cho hay.

Trump một lần nữa đề cao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong nỗ lực kiềm chế Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ nói, "Tôi tin rằng ông ấy (Tập Cận Bình) đang rất cố gắng. Ông ấy chắc chắn không muốn thấy biến động và cái chết. Ông ấy là một người tốt, một người rất tốt và tôi đã được hiểu nhiều về ông."

"Ông Tập yêu Trung Quốc và người dân Trung Quốc. Tôi hiểu ông ấy muốn làm điều gì đó, nhưng nhiều khả năng là ông không thể," Trump nói với Reuters.

Các phát biểu của Tổng thống Trump được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi các cố vấn an ninh cấp cao của ông báo cáo với Thượng viện về mối đe dọa Triều Tiên; và 1 ngày trước khi Ngoại trưởng Rex Tillerson thúc giục Hội đồng bảo an LHQ áp đặt cấm vận mạnh hơn để cô lập Bình Nhưỡng.

Chính quyền Trump ngày 26/4 tuyên bố Triều Tiên "là một mối đe dọa an ninh quốc gia và là ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu". Nhà Trắng nói họ sẽ tập trung vào gây sức ép kinh tế và đối ngoại, bao gồm hợp tác với Bắc Kinh để kiềm chế Triều Tiên và ép Bình Nhưỡng vào bàn đàm phán.

Các quan chức Mỹ nói tấn công quân sự Triều Tiên vẫn là một phương án nhưng đem lại viễn cảnh không sáng sủa, mặc dù Mỹ đã điều nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson đến vùng biển ngoài khơi bán đảo để biểu dương lực lượng.

Theo Reuters, bất kỳ hành động quân sự nào từ Mỹ đều đi kèm rủi ro bị Triều Tiên trả đũa quyết liệt và gây thương vong lớn, có thể là ở Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như tổn thất cho lực lượng Mỹ.

Khi được hỏi về lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Trump nói ông làm việc dựa trên giả định rằng ông Kim là người lý trí.

"Ông ấy 27 tuổi khi cha mình mất, và tiếp quản cả chính quyền. Nói gì thì nói nhưng điều đó không dễ dàng, đặc biệt là ở lứa tuổi đó. Tôi không đánh giá ông ấy tốt hay không tốt, tôi chỉ nói rằng đó là công việc rất khó khăn. Còn về việc ông Kim có hành động lý trí hay không thì tôi không có ý kiến. Tôi hy vọng ông ấy lý trí," Tổng thống Trump cho biết.

NAFTA-TPP: Trump "bên trọng-bên khinh" hay chuyện nguyên tắc là không nguyên tắc

Trump không điện đàm với bà Thái Anh Văn vì sợ mất lòng Tập Cận Bình

Tổng thống Trump bác bỏ thông tin trước đó được đưa ra bởi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, rằng bà có thể thực hiện một cuộc điện đàm thứ hai với ông, sau cuộc điện đàm đầu tiên hồi tháng 12/2016 khiến Bắc Kinh nổi giận.

"Vấn đề của tôi là tôi đã thiết lập quan hệ cá nhân rất tốt với Chủ tịch Tập Cận Bình," Trump nói. "Tôi thực sự cảm thấy ông ấy đang làm mọi thứ trong khả năng để giúp chúng ta trong một tình hình lớn (vấn đề hạt nhân Triều Tiên). Vì vậy tôi không muốn làm khó ông ấy vào lúc này."

"Chắc chắn tôi sẽ muốn nói với ông Tập trước (về việc điện đàm với bà Thái Anh Văn)."

Trước đó, bà Thái trả lời phỏng vấn Reuters, cho biết bà "hy vọng có cơ hội trao đổi trực tiếp hơn với chính phủ Mỹ", đồng thời hé lộ "không loại trừ khả năng mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ để phục vụ nhu cầu bảo đảm an ninh".

Bất chấp Mỹ “làm căng”, Triều Tiên thề không bao giờ ngừng thử hạt nhân

ĐS Phạm Sanh Châu vào vòng 3 tranh cử Tổng giám đốc UNESCO

Sau cuộc phỏng vấn kéo dài 90 phút chiều 27/4 tại Paris (Pháp), Đại sứ Phạm Sanh Châu thông báo ông đã xuất sắc lọt vào vòng 3 cho cuộc thi giành chức danh tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO).

Tại buổi phỏng vấn được truyền hình trực tiếp trên trang web của UNESCO, ông Phạm Sanh Châu, đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO, đã nêu ra 3 tầm nhìn chiến lược trong đề cương phát triển UNESCO của ông.

Theo ông Châu, đó là thúc đẩy hòa bình, nhu cầu phải cải cách, và đặc biệt là UNESCO cần phải thay đổi cách tiếp cận, cách truyền thông.

“UNESCO cần phải PR cho chính mình”, ông nói.

Sau 10 phút thuyết trình, Đại sứ Phạm Sanh Châu nhận được nhiều câu hỏi từ đại diện của các nước. Trước câu hỏi của đại diện Đức rằng nếu được bầu làm tổng giám đốc, ông sẽ đảm đương trách nhiệm đó như thế nào, Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ ông sẽ nỗ lực trở thành người bạn tin cậy, lắng nghe, quan tâm và kết nối của tất cả các thành viên.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, đại diện từ Việt Nam khẳng định nếu như trúng cử, ưu tiên số 1 của ông là sẽ bảo đảm UNESCO là một tổ chức trong sạch, không có tình trạng tham nhũng và bê bối.

"Nếu trở thành tổng giám đốc mới, với sự hỗ trợ của mọi người, tôi sẽ đưa UNESCO trở thành một tổ chức mạnh mẽ hơn, một ngôi nhà chung đoàn kết hơn, xứng đáng hơn và hạnh phúc hơn", ông nói.

Kết thúc phần phỏng vấn, đại sứ Phạm Sanh Châu có những lời chia sẻ chân thành: "Tôi đến từ Việt Nam, một đất nước trải qua hàng thập kỷ chiến tranh nhưng đã vượt lên với lòng vị tha và khoan dung. Tôi đến từ Việt Nam, một đất nước đã chuyển mình phát triển kinh tế xã hội và sẵn sàng chia sẻ bài học thành công, một đất nước luôn muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới".

ĐS Phạm Sanh Châu vào vòng 3 tranh cử Tổng giám đốc UNESCO - Ảnh 1.

Đại sứ Phạm Sanh Châu tại buổi phỏng vấn cho vị trí tổng giám đốc UNESCO ngày 27/4. Ảnh: Facebook/SanhChau Pham.

Sau cuộc phỏng vấn, Đại sứ Sanh Châu chia sẻ trên Facebook rằng "Đỉnh của đỉnh" là lời khen mà ông nhận được từ những người bạn cho phần thể hiện xuất sắc của mình.

Tranh cử vị trí tổng giám đốc UNESCO lần này có 9 ứng cử viên trên toàn thế giới. Quá trình phỏng vấn lần lượt từng ứng viên diễn ra trong hai ngày 26-27/4, trong đó ông Phạm Sanh Châu là người thứ 6 bước vào cuộc thi.

Cuộc bỏ phiếu kín bầu tân tổng giám đốc UNESCO sẽ được tiến hành đợt 1 (gồm 5 vòng) vào tháng 10/2017 tại Hội đồng Chấp hành UNESCO và đợt 2 vào tháng 11/2017, tại Đại hội đồng UNESCO. Nhiệm kỳ của tổng Giám đốc UNESCO kéo dài 4 năm.

12h trưa nay 28/4, các ứng viên sẽ bước vào vòng thi phụ trình bày cương lĩnh tranh cử bằng tiếng Pháp trước 70 nước thành viên nhóm Pháp ngữ.

Đại sứ Phạm Sanh Châu là nhà ngoại giao Việt Nam đầu tiên ra ứng cử làm người đứng đầu một cơ quan quan trọng thuộc Liên Hợp Quốc.

Ông Phạm Sanh Châu, 55 tuổi, từng là Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) giai đoạn 2011 - 2014. Trước đó, ông là người đã nhiều năm gắn bó với các hoạt động giáo dục, văn hoá, di sản và UNESCO.

Năm 1999, trên cương vị Đại sứ cạnh UNESCO, ông từng tham gia vận động để UNESCO công nhận và trao danh hiệu “Thành phố vì hoà bình” cho thủ đô Hà Nội. Ông cũng là người tham gia vận động Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới.

Đại sứ Phạm Sanh Châu thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp và từng là phiên dịch cho nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam trong giai đoạn 1986-1996.

Giáo sư Mỹ chỉ ra sai lầm nghiêm trọng nhất mà Trump cần sửa chữa ngay