Trợ thủ đắc lực
Không chỉ là tác giả của hai bài phát biểu có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong chiến dịch hỗ trợ Hillary Clinton tranh cử Tổng thống, Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama còn đóng góp cho người bạn của mình một câu slogan rất thịnh hành trong nhóm cử tri ủng hộ cựu Ngoại trưởng Mỹ.
Trong các bài diễn văn tranh cử trên khắp nước Mỹ, mỗi khi bà Clinton nói "When they go low...", lập tức khán giả ở dưới sẽ đáp lại "... we go high". (tạm dịch: Khi họ chơi xấu, chúng ta vẫn ngẩng cao đầu chơi đẹp. Đây là câu nằm trong bài diễn văn của bà Michelle Obama đọc tại lễ khai mạc Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ ngày 26/7 -ND).
Ở hai mùa tranh cử gần nhất với thắng lợi thuộc về chồng mình, bà Michelle luôn được mệnh danh là "người đánh cú chót" (nguyên văn "the closer" - tức vị trí ném bóng ở hiệp cuối trong môn bóng chày - ND). Tuy nhiên năm nay, bà đã xuất hiện trong vai trò trợ thủ đắc lực của Clinton ngay từ đầu chiến dịch.
Mới đây, đích thân Đệ nhất phu nhân Mỹ đã có bài phát biểu thể hiện sự phản đối mạnh mẽ trước những phát ngôn gây tranh cãi của ứng viên Donald Trump về phụ nữ.
Michelle Obama chỉ trích Trump
"Đây không phải là một cái gì đó chúng ta có thể cứ thế cho qua, như thể chỉ là một dấu mốc không đáng kể trong một mùa tranh cử đáng buồn. Bởi đây không đơn thuần chỉ là một cuộc đối thoại vô thưởng vô phạt.
Một con người có quyền lực đã công khai, thoải mái phát ngôn thể hiện suy nghĩ của một kẻ tội phạm tình dục, và thậm chí còn khoe khoang về việc hôn và sờ soạng phụ nữ, với những ngôn từ tục tĩu đến mức nhiều bậc phụ huynh trong chúng ta phải lo lắng về việc con em mình có thể nghe được những lời đó trên TV.
Tệ hơn, giờ ta có thể thấy rõ đây không phải là một vụ việc đơn lẻ. Nó chỉ là một trong vô vàn những ví dụ về cái cách mà [Trump] đối xử với phụ nữ. Tôi phải nói với các bạn rằng tôi đã nghe hết những lời này, và nó chạm đến lòng tự ái của tôi. Tôi chắc rằng phần đông các bạn cũng như tôi, đặc biệt là nữ giới.
Những phát ngôn đáng xấu hổ về cơ thể chúng ta, sự thiếu tôn trọng đối với hoài bão và trí tuệ của chúng ta, và cái suy nghĩ rằng ông ta có thể làm bất kì điều gì ông ta muốn với phụ nữ. Thật kinh khủng, thật đáng sợ, và sự thật là nó gây tổn thương rất lớn." - bà Michelle phát biểu.
Tương tự như bài phát biểu tại đại hội đảng Dân chủ hồi tháng 7, Đệ nhật phu nhân nước Mỹ một lần nữa đã chiếm được cảm tình khán giả và gửi đến một thông điệp đầy cảm xúc mà không một trợ thủ nào của Clinton, hay thậm chí chính Clinton, có thể làm được.
Michelle Obama và Hillary Clinton trong một buổi vận động tranh cử. Ảnh: AP
Tầm ảnh hưởng của bà Michelle đã từng thuyết phục được phụ nữ và cử tri trong các nhóm thiểu số bỏ phiếu cho chồng mình vào năm 2008 và 2012. Nay, trong kì bầu cử 2016, bà Clinton hi vọng "lịch sử sẽ lặp lại".
Trả lời phỏng vấn CNN, Đệ nhất phu nhân nước Mỹ cho biết bà muốn thông qua bài phát biểu mới đây gửi một thông điệp nhắc nhở phụ nữ cũng như cánh đàn ông rằng, dù ngôn từ trong giao tiếp hàng ngày đang ngày một trở nên bỗ bã, song sự chuẩn mực vẫn còn tồn tại.
"Phủi tay nói rằng đây chỉ là những lời bông đùa vô thưởng vô phạt là một sự sỉ nhục với những người đàn ông thực thụ. Những người đàn ông mà tôi và các bạn biết, họ không đối xử với phụ nữ như vậy. Họ là những người cha yêu thương, những người không thể chấp nhận nổi việc con gái họ phải nghe thấy những lời nói vô văn hóa như vậy về phụ nữ" - bà phát biểu.
Vợ làm thay phần chồng
Do quá bận bịu với công việc hàng ngày của một Tổng thống, ông Obama không có nhiều thời gian hỗ trợ bà Clinton tranh cử. Song có thể nói, vợ ông đang đảm nhiệm quá tốt vai trò trợ thủ của mình.
Tại các bang dự kiến sẽ cạnh tranh cam go như North Carolina, Pennsylvania, New Hampshire, hay Virginia, bà Michelle đều xuất hiện để kêu gọi sự ủng hộ của những cử tri trước đây đã từng bỏ phiếu chồng minh.
Một trong những lý do khiến bà Michelle rất được mến mộ là vì từ trước đến nay, bà luôn khẳng định rõ lập trường không muốn dính dáng đến chính trị. Trước đây, thậm chí bà còn khuyên chồng mình đừng bước chân vào con đường chính trị.
Do đó, thông điệp của bà có độ gần gũi với người dân hơn, và tránh bị vướng phải cái mác "chỉ nói mà không làm" của các chính trị gia - cũng là một điểm yếu của bà Clinton. Những lời chỉ trích nhắm đến Trump mà Đệ nhất phu nhân Mỹ đưa ra dưới góc độ của một người phụ nữ cũng có sức nặng hơn hẳn.
"Phải có lý do thuyết phục và một mục đích rõ ràng thì [bà Michelle] mới tham gia vào chiến dịch vận động tranh cử" - Kate Brower, tác giả cuốn sách "Đệ nhất Phu nhân: Sự Dịu dàng và Quyền lực của những Đệ nhất Phu nhân nước Mỹ thời Hiện đại", phát biểu.
"Có thể thấy rõ cảm xúc của bà, có lúc bà đã rơm rớm nước mắt. Tôi cho rằng không phải do bộ sậu của Clinton thúc mà [bà Michelle] mới thể hiện cảm xúc. Tôi chưa từng thấy một Đệ nhất phu nhân nào phát biểu với cảm xúc mãnh liệt như vậy" - bà Brower nói thêm.
Có thể nói, dù bản thân không muốn dính dáng đến chính trị, song Michelle Obama có thể sẽ lại một lần nữa trở thành nhân tố quyết định cho tương lai chính trị nước Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay.
Cùng là "lãnh đạo hạt nhân", nhưng Tập Cận Bình khác xa Mao, Đặng