Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal, do phải đối mặt với những khoản nợ khó đòi ngày càng lớn và rủi ro an ninh gia tăng đối với công dân và doanh nghiệp Trung Quốc ở Venezuela, Bắc Kinh có vẻ như đang tính toán lại mối quan hệ liên minh với quốc gia mà nước này đã cho vay khoảng 60 tỷ USD.
Kết quả của sự điều chỉnh chiến lược này sẽ là Venezuela khó có thể nhận thêm vốn vay hoặc vốn đầu tư từ Trung Quốc.
Khi đó, Venezuela sẽ phải cắt giảm chi tiêu nhiều hơn, thậm chí sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ. Hiện nay, Chính phủ và công ty dầu lửa quốc doanh nước này đang nợ trái phiếu hơn 110 tỷ USD.
Theo nguồn tin là quan chức doanh nghiệp Trung Quốc, trong các cuộc họp khẩn cấp tổ chức trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, đại sứ Trung Quốc tại Caracas đã bày tỏ lo ngại với đại diện các công ty quốc doanh Trung Quốc về vấn đề an ninh và nợ khó đòi của Venezuela.
“Các cuộc họp đã đi đến nhất trí là [Trung Quốc] sẽ không đầu tư thêm vào Venezuela”, nguồn tin nói. “Có một thông điệp rõ ràng từ trên xuống: cứ để mặc họ gục ngã”.
Theo nguồn tin, các công ty Trung Quốc ở Venezuela đang chuyển nhân viên sang Coluombia và Panama vì lý do an ninh, và cũng vì nhiều dự án của Trung Quốc ở nước này đã rơi vào ngưng trệ.
An toàn đang là một nỗi sợ gia tăng đối với công dân Trung Quốc đang sinh sống và làm việc ở Venezuela. Họ đã trở thành mục tiêu cho những đường dây bắt cóc, buộc nhiều người phải rời khỏi nước này.
Theo tổ chức độc lập Venezuela Violence Observatory, Venezuela là quốc gia có tỷ lệ các vụ giết người cao thứ nhì thế giới.
Nhiều công nhân mới đến để làm việc trong dự án của các công ty quốc doanh Trung Quốc ở Venezuela thậm chí không dám ra khỏi nơi ở và nơi làm việc.
Theo nhà phân tích Diego Moya-Ocampos thuộc hãng tư vấn IHS, việc Trung Quốc tính toán lại mối quan hệ với Venezuela có thể có ảnh hưởng rộng khắp khu vực Mỹ Latin và châu Phi, nơi các quốc gia giàu tài nguyên đã tìm đến nguồn vốn từ Trung Quốc trong thời kỳ bùng nổ của hàng hóa cơ bản.
“Trung Quốc đang cân nhắc lại những rủi ro về chính trị và tiền vốn để không rơi vào tình thế như họ đang phải đối mặt ở Venezuela”, ông Moya-Ocampos nói.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Venezuela suy giảm gần 6% trong năm ngoái và sẽ suy giảm thêm 10% trong năm nay. Dự trữ ngoại hối của nước này hiện chỉ còn 11,8 tỷ USD, mức thấp nhất trong 13 năm.
Các biện pháp quản lý kinh tế sai lầm được cho là nguyên nhân chính đẩy Venezuela rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng với lạm phát phi mã hiện nay.
Tuy nhiên, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bác bỏ cáo buộc này, cho rằng đất nước lâm khủng hoảng là do cuộc chiến kinh tế của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.
“Có nhiều lý do khiến Trung Quốc bắt tay với Venezuela trước đây, nhưng giờ là lúc họ đang đối mặt câu hỏi: làm thế nào để thoát khỏi mớ bòng bong này”, giáo sư R. Evan Ellis thuộc trường US Army War College nhận định.
Ước tính, khoảng 30.000 người Trung Quốc đã rời khỏi Venezuela từ năm 2014 và hiện còn hơn 100.000 người ở lại.
“Thị trường của tôi đã bị phá hỏng”, anh Rafael Lobo, một người môi giới cho khách Trung Quốc thuê nhà ở Caracas, phàn nàn.
“Cách đây 2 năm, giá căn hộ cho thuê là 2.000 USD/tháng. Bây giờ, giá thuê chỉ còn 400 USD mà tôi cũng chẳng cho thuê nổi”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét